THÔNG TIN ĐƠN VỊ
NGHIÊN CỨU & ỨNG DỤNG
HOẠT ĐỘNG ĐƠN VỊ
TÀI LIỆU MỚI
THÔNG BÁO
Qui trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản dâu tây
Ngày đăng: 02-06-2020 | Lượt xem: 294
QUI TRÌNH CÔNG NGHỆ
TRỒNG, CHĂM SÓC, THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN DÂU TÂY (Fragaria)
Dâu tây: Tên khoa học: Fragaria hay còn gọi là dâu đất là một chi thực vật hạt kín thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) cho quả được nhiều người ưa chuộng. Dâu tây xuất xứ từ châu Mỹ và được các nhà làm vườn châu Âu cho lai tạo vào thế kỷ 18 để tạo nên giống dâu tây được trồng rộng rãi hiện nay.
Dâu tây là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, trong quả dâu tây có chứa nhiều lọai vitamin, trong đó hàm lượng vitamin C cao nhất. Đây là một loại cây đặc sản dùng để ăn tươi, chế biến làm mứt, nước giải khát, dùng trong công nghiệp hóa phẩm chế biến rượu, hương vị thực phẩm… Dâu tây thích hợp với điều kiện khí hậu ôn đới và á nhiệt đới, với điều kiện canh tác tốt thì dâu tây sẽ cho năng suất cao và có hiệu quả kinh tế.
Dâu tây thích hợp với loại đất thịt nhẹ, hàm lượng chất hữu cơ cao, đất giữ ẩm nhưng thoát nước tốt. Đất có hàm lượng chất hữu cơ cao sẽ giúp cho cây dâu tây phát triển tốt, đạt năng suất cao và kéo dài thời gian thu hoạch quả. Cây dâu tây thích hợp với đất trung tính có độ pH từ 6-7.
Khí hậu thích hợp cho cây dâu tây sinh trưởng và phát triển từ 18 - 220C. Biên độ nhiệt ngày và đêm cao sẽ tạo điều kiện để tăng năng suất và chất lượng quả dâu tây. Thời kỳ cây phân hóa chồi non và ra hoa cần nhiệt độ từ 15 – 24oC; thời kỳ hình thành trái cần biên độ nhiệt ngày đêm cao sẽ cho quả nhiều, nhiệt độ ngày từ 20 – 250C, nhiệt độ ban đêm 10 – 150C cây sẽ cho nhiều trái. Thời kỳ trái chín nhiệt độ thích hợp là 15 – 220C.
Ánh sáng rất cần thiết cho cây dâu sinh trưởng và phát triển, cây dâu đòi hỏi ánh sáng dồi dào thì mới sinh trưởng mạnh, thiếu ánh sáng thường ảnh hưởng đến khả năng ra hoa kết quả.

I. GIỐNG VÀ KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG
1. Cây giống
Hiện nay ở nước ta có rất nhiều giống dâu tây như giống dâu Pháp, Mỹ thơm, Mỹ đá, một số giống được nhập nội từ Isarel …
Giống dâu có các đặc điểm như khả năng kháng bệnh tốt, quả có màu sắc đẹp, vị ngọt mùi thơm đặc trưng, độ cứng… thì được chọn làm giống dâu tốt.
Hiện nay giống được ưa chuộng và trồng nhiều là giống dâu Mỹ đá, giống này có mang nhiều đặc điểm tốt.
2. Phương pháp nhân giống
Với cây dâu tây nhân giống vô tính theo 2 phương pháp sau:
- Phương pháp nuôi cây mô: Cây con có độ đồng đều cao, sạch bệnh, tỷ lệ nhân giống nhanh.
- Phương pháp tách cây con từ ngó cây mẹ: Dễ làm, chủ động được nguồn giống nhưng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát dục của cây mẹ. Cây con có chất lượng kém, độ đồng đều thấp, mau thoái hóa giống, khả năng nhân giống ít, sức sinh trưởng kém hơn so với cây cấy mô. Chỉ nên lấy cây con từ tách ngó cây mẹ dưới 01 năm tuổi thì mới đảm bảo chất lượng giống.
3. Thời vụ
- Dâu tây có thể trồng quanh năm trong điều kiện có nhà màng, nhà màng che chắn bảo vệ, nhưng tốt nhất là vào tháng 9 – 10 hàng năm tại huyện Kon Plông.

II. TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
1. Làm đất, lên luống
- Làm đất: Nên chọn đất thịt nhẹ, giàu dinh dưỡng, cao ráo, thoát nước tốt. Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật.
- Luống trồng: Lên luống cao 20 – 25cm ở vùng đất thấp, 15 – 20cm ở vùng đất cao, thoát nước tốt, luống rộng 1,2m (cả rò rảnh).
- Phủ bạt: Phủ bạt hạn chế cỏ, hạn chế bốc hơi nước, sâu bệnh, hạn chế rửa trôi phân bón, bảo vệ trái dâu sạch, không tiếp xúc trực tiếp với đất, hạn chế bệnh thối trái và còn gia tăng nhiệt độ cho luống trồng, đất…Tuy nhiên phủ bạt khó khăn trong việc tưới nước, bón phân, tận dụng ngó để nhân giống…Vì vậy tùy theo điều kiện mà chúng ta lựa chọn hình thức làm. Phủ bạt thường áp dụng cho tưới ngầm, tưới nhỏ giọt, không dùng bạt dùng rơm, rạ, cỏ khô tủ gốc thay bạt giúp giảm lượng thoát nước, hạn chế cỏ…
2. Phân bón
Cây dâu tây thích hợp với loại đất tơi, xốp, thoát nước tốt thì mới cho năng suất cao, chất lượng và khả năng kháng bệnh tốt. Vì vậy chế độ phân bón cần phải có đầy đủ phân hữu cơ để cải tạo độ tơi xốp, hàm lượng dinh dưỡng và lượng mùn trong đất.
Phân đạm cần cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, khi bón cần chú ý đến màu sắc của lá ở các thời kỳ, để cung cấp lượng đạm thích hợp cho cây. Phân lân ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu trái, phát triển hệ rễ và đẻ cây con (ra ngó). Phân Kali quyết định đến năng suất, độ cứng, chất lượng trái, tăng khả năng kháng bệnh của cây và tăng cường khả năng quang hợp trong điều kiện thiếu ánh sáng (khi canh tác trong nhà màng),...
Một số các nguyên tố trung vi lượng như Canxi, Bo, Magiê, Mo…rất cần thiết và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, sinh trưởng phát triển, khả năng phân hóa mầm hoa, đậu trái của cây và chất lượng trái.
Lượng phân bón cho cây dâu trong năm thứ nhất (Tính cho 1.000 m2/năm)
+ Phân chuồng: 800 kg – 1.000 kg
+ Vôi: 150 – 160 kg (Chia làm 2 lần/năm)
+ Đạm: 90 – 100 kg
+ Lân: 50 – 57 kg
+ Kali: 70 – 78 kg
+ Phân bón lá: 1.300.000 đồng
+ Phân hữu cơ sinh học: 300 - 330 kg
+ Thuốc BVTV: 1.500.000 đồng
Lượng phân bón trên chia ra làm nhiều lần bón trong năm.
Định kỳ có thể phun bổ sung phân bón qua lá (tốt nhất nên sử dụng các loại phân bón lá hữu cơ như Amin, CQ, Viet-Sin, rong biển…), Acid Boric và MgSO4 nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Lưu ý:
Bón phân theo nguyên tắc bón ít nhưng bón nhiều lần trong năm.
Lượng phân theo khuyến cáo như trên đối với bón định kỳ, có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào sức sinh trưởng, phát dục, giai đoạn bội thu, chu kỳ ra trái của cây dâu.
3. Kỹ thuật trồng
Trồng trong nhà màng: Trồng hàng cách hàng 45- 50cm, cây cách cây: 35 – 40cm, trồng theo kiểu nanh sấu.
4. Chăm sóc
- Tỉa thân lá.
Thường xuyên tỉa thân lá tạo độ thông thoáng cho cây để cây dâu phát triển cân đối, hạn chế sâu bệnh. Thường để 3 - 4 thân/gốc tuỳ theo đặc điểm của từng giống, chế độ canh tác, thời tiết. Tỉa các lá già, lá bị sâu bệnh, lá ở tầng dưới bị che khuất thu gom phơi khô đốt hạn chế nguồn bệnh lây nhiễm.
- Ngắt chùm hoa, cắt tỉa ngó.
+ Khi cây dâu mới ra chùm hoa bói đầu tiên nên cắt bỏ để cây sinh trưởng mạnh và ổn định trong giai đoạn đầu, tăng khả năng sinh trưởng và ức chế phát dục.
+ Giai đoạn thu hoạch nên tỉa hoa bị sâu, quả dị dạng, chỉ nên để lại những quả to, tròn đều, không sâu bệnh. Cân đối giữa khả năng phát triển của khung tán và số lượng hoa trái trên cây.
+ Vườn dâu dưới 1 năm tuổi nếu không tận dụng ngó để nhân giống thì nên cắt bỏ, những vườn dâu trên 1 năm tuổi thì ngắt bỏ toàn bộ ngó để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
- Che phủ đất:
Hàng năm nên dùng cỏ khô, rơm rạ khô để che phủ mặt luống trồng nhằm giữ ẩm cho đất, tạo cho đất có độ tơi xốp, hạn chế sự phát triển của cỏ dại, sâu bệnh, hạn chế rửa trôi phân bón, bảo vệ trái dâu sạch, không tiếp xúc trực tiếp với đất, hạn chế bệnh thối trái và còn gia tăng nhiệt độ cho luống trồng.
Hiện nay dâu được trồng trong nhà màng có các ưu điểm như:
+ Hạn chế bệnh cây trong vụ mưa. Tuy nhiên nhà màng, nhà lưới phải thiết kế theo đúng hướng dẫn kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn về chiều cao, chế độ thông gió thì mới đảm bảo cho cây dâu sinh trưởng phát triển tốt, nếu không thì độ ẩm sẽ tăng và bệnh sẽ phát triển mạnh đồng thời nhiệt độ sẽ gia tăng đột ngột tại một số thời điểm trong ngày ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây dâu tây.
+ Hạn chế ngập úng đất, rửa trôi phân bón khi mưa kéo dài hay mưa lớn.
+ Hạn chế cỏ dại, giữ cho cấu tượng đất luôn tơi xốp, giúp bộ rễ phát triển tốt.
- Tưới nước:
Nếu có điều kiện thì việc thiết kế hệ thống tưới ngầm hoặc tưới nhỏ giọt là tốt nhất, hoặc tưới bằng vòi phun mưa nhỏ tránh làm dập hoa lá. Khi tưới cho cây dâu cần phải sử dụng nguồn nước sạch (nước ngầm, nưới giếng, nước máy …).
- Phòng ngừa dị dạng trái:
Dâu tây cần được thụ phấn bổ sung của côn trùng thì mới hạn chế một phần nguyên nhân gây dị dạng trái. Vì vậy cần có:
+ Thời kỳ kết trái đầu tiên nếu phát hiện quả dị dạng thì tỉa bỏ để tập trung dinh dưỡng nuôi trái khác, đồng thời giảm bón phân đạm.
+ Giai đoạn hoa nở rộ tránh phun xịt thuốc sâu, thuốc bệnh với nồng độ cao, tránh tưới nước và phun thuốc vào lúc hoa đang nở (sáng sớm).
+ Tạo điều kiện cho côn trùng tạo phấn, tuy nhiên trồng trong nhà màng lại có nhược điểm côn trùng có lợi không vào được, vì thế khi trồng cần lựa chọn giống Dâu tây phù hợp trồng trong nhà màng.
III. SÂU BỆNH HẠI CÂY DÂU TÂY
Cây dâu tây là cây có nhiều sâu bệnh gây hại và thường dùng để ăn tươi, thời gian giữa các lần thu hái ngắn (thường 2 - 3 ngày thu hái 1 lần) nên khi phun phân hoặc thuốc hóa học cần chú ý đến thời gian cách ly và ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc.
1. Bệnh hại
1.1. Bệnh đốm lá: Thường do 2 loại nấm bệnh gây ra.
- Bệnh đốm lá trắng (Mycosphaerella fragariae): Đốm bệnh màu trắng ở phần trung tâm và viền đậm bao quanh. Bệnh gây tổn thương ở thân, lá, cuống hoa, cuống quả làm chết hoa và trái non, bệnh làm giảm năng suất và sức sống của cây.
- Bệnh đốm lá đỏ (Phomopsis obsscuans): Đốm bệnh có hình quả trứng hay hình tam giác có màu nâu sáng chuyển sang màu đỏ ở các mô bào giữa các gân lá.
Biện pháp phòng trừ:
- Tỉa các lá bệnh, thu gom và đem tiêu hủy ở xa ruộng dâu, không để lây lan nguồn bệnh sang các vườn dâu khác;
- Bón phân cân đối NPK;
- Phát hiện bệnh sớm và phun phòng bằng thuốc hóa học có hoạt chất Iprodione, Iprodione + Carbendazim, Difenoconazole, Kasugamycin + Oxychloride, Thiophanate-Methyl… (như thuốc Rovral 50WP, Score 250ND, Toppsin 70WP, Kasuran 47WP, …).
1.2. Bệnh mốc sương:
- Xuất hiện trong điều kiện ẩm độ, nhiệt độ cao, bệnh lây lan nhanh gây thất thu lớn đến sản lượng và chất lượng trái. Bệnh xuất hiện cả ở trên thân, lá, trái.
Biện pháp phòng trừ:
- Thực hiện chế độ luân canh cây trồng;
- Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, ngắt tỉa lá bị bệnh đem tiêu hủy không để lây lan sang các vườn dâu khác;
- Nhà màng, nhà lưới phải thiết kế đúng kỹ thuật, thông gió;
- Lên luống cao tránh úng vào mùa mưa, rãnh thoát nước tốt;
- Trồng mật độ vừa phải, không trồng mật độ dày;
- Bón phân cân đối NPK;
- Phun phòng bằng thuốc hóa học, sử dụng thuốc có hoạt chất Thiophanate-Methyl, Mancozeb, Propineb, Fosetyl Aluminium …( như thuốc Toppsin 70WP, Dithane M45-80WP, Vimancoz, Dipomate 80WP, Antracol 70WP…).
1.3. Bệnh phấn trắng (Sphaerotheca macularis), bệnh mốc xám (Botrytis cinerea):
- Xuất hiện trong điều kiện ẩm độ cao, chế độ lưu thông khí kém, bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn quả chín. Đầu tiên là những đốm nâu sáng xuất hiện sau đó lan rộng bao phủ cả trái là lớp mốc xám. Hoa, trái non cũng nhiễm bệnh làm trái khô.

Bệnh phấn trắng (Sphaerotheca macularis)
Biện pháp phòng trừ:
- Áp dụng tốt các biện pháp canh tác để phòng trừ bệnh như đã nêu ở trên;
- Trái đã thu hoạch nên bảo quản ở nhiệt độ thấp để ngăn chặn bệnh phát triển.
- Phòng trừ bằng các loại thuốc trừ bệnh cây có hoạt chất Iprodione, Iprodione+Carbendazim, Difenoconazole, Hexaconazole, Fosetyl Aluminium… (như thuốc Teldor, Rovral, Aliette, Score 250ND, Anvil 5SC, Saizole 5SC, Daconil 75WP, Derosal 50SC).
1.4. Bệnh thối trái:
Bệnh thối trái do nấm (Botrtis Cinerea)
- Bệnh thối trái do nấm Botrtis Cinerea: Biểu hiện đầu tiên là những đốm nâu sáng sau đó lan rộng cả trái có phủ một lớp mốc xám, làm trái khô. Bệnh này xâm nhiễm từ giai đoạn quả xanh đến chín.
- Bệnh thối trái do nấm Rhizoctonia: Vết bệnh ban đầu có màu nâu đậm, sau đó chuyển sang thối đen trái. Bệnh lây nhiễm khi trái đang giai đoạn chín tiếp xúc với đất trồng.
- Bệnh thối trái do nấm Phytophthora cactorum: Bệnh làm trái non và trái chín biến màu. Trái xanh cứng lại và chuyển sang màu nâu, trái già chuyển màu trắng tái hoặc hơi nâu và mềm. Trái bị bệnh khô teo nhỏ và dai, mất hương vị, có mùi khó chịu và hơi đắng.
Biện pháp phòng trừ:
- Chọn đất trồng cao ráo, thoát nước tốt, lên luống cao;
- Dùng cỏ khô hoặc màng phủ polyme để phủ luống dâu nhằm hạn chế trái tiếp xúc đất trồng;
- Bón cân đối NPK, tăng cường Kali trong mùa mưa;
- Luân canh và xử lý đất trước khi trồng;
- Phòng trừ định kỳ bằng các loại thuốc bệnh Iprodione, Iprodione + Carbendazim, Difenoconazole, Hexaconazole, Fosetyl Aluminium… (như thuốc Teldor, Rovral, Aliette, Score 250ND, Anvil 5SC, Saizole 5SC, Daconil 75WP, Derosal 50SC).
- Ngắt bỏ các trái bệnh đem tiêu hủy xa nơi canh tác.
1.5. Bệnh đốm đen: do nấm Colletotrichum acutatum gây ra.
Bệnh đốm đen (Colletotrichum acutatum)
Triệu chứng bệnh: khi trái chín xuất hiện những đốm tròn có màu nâu và sau đó biến thành màu đen hoàn toàn, trái héo.
Biện pháp phòng trừ:
- Sử dụng giống sạch bệnh.
- Đối với bệnh này không có thuốc đặc trị đạt 100%, mà chủ yếu phòng bệnh là chính. Sử dụng một số thuốc có hoạt chất Iprodione, Iprodione+Carbendazim, Propineb, Metalaxyl….để phòng bệnh là tốt nhất (như thuốc Ridomil, Antracol, Mataxyl 25WP, Ridomil 240EC, Rampart).
2. Sâu hại.
2.1. Nhện đỏ.
- Chích hút nhựa làm cây phát triển kém, giảm năng suất, chất lượng quả giảm. Nhện thường ký sinh ở mặt dưới của lá.
Biện pháp phòng trừ:
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ;
- Bón phân cân đối NPK giúp cây sinh trưởng tốt;
- Phòng trừ bằng thuốc trừ nhện đặc hiệu có hoạt chất Hexythiazox, Propargite, Halfenprox (như thuốc Nissorun 5EC, Comite 73EC, Sirbon 5EC).
2.2. Bọ trĩ, rầy rệp:
- Phá hoại búp lá, lá non, thân non, chích hút nhựa làm cây suy kiệt, sinh trưởng kém, giảm nụ hoa, giảm năng suất, phẩm chất kém.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh môi trường, đồng ruộng;
- Kiểm tra theo dõi phát hiện sớm và phòng trừ khi có triệu chứng bị hại, dùng thuốc hoá học trừ rầy, rệp, bọ trĩ có hoạt chất Etofenprox, Buprofezin, Cypermethrin (như thuốc Trebon 10EC – 20WP, Applaud 10WP, Sherpa 25EC).
2.3. Sâu ăn tạp, sâu cuốn lá:
- Sâu ăn tạp ký sinh trong phần gốc phá hoại chủ yếu vào ban đêm, ăn lá và phần thân non của cây.
- Sâu cuốn lá làm gãy cuống lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Biện pháp phòng trừ:
- Luân canh cây trồng, vệ sinh đồng ruộng;
- Xử lý đất trước khi trồng cây con;
- Phòng trừ bằng thuốc hoá học.
IV. THU HOẠCH, BẢO QUẢN
1. Thu hoạch
- Khi thị trường gần, thu hoạch khi 75 % quả đỏ hoặc hồng.
- Khi thị trường xa, thu hoạch khi 20-40% quả đỏ hoặc hồng.
- Một biểu hiện khác của quả gần chín là khi thu hoạch tai quả cong lên, da bóng có mùi thơm đặc biệt.
- Thu hái vào lúc trời mát, ráo sương, thường từ 8-10 giờ sáng hoặc sau 3 giờ chiều.
- Không để nơi có ánh nắng lọt vào, dùng lá dâu phủ lên rổ chứa quả.
- Dùng ngón tay bấm nhẹ cuống qủa để vào các rổ nhỏ sạch, kết hợp phân loại sau đó dồn chung vào rổ to chừng 20 kg, có lót và phủ lá dâu bên trên.
2. Phân loại
Loại l: Quả to đẹp, không sâu bệnh, không dập nát.
Loại 2: Quả vừa đẹp, không sâu bệnh, không dập nát.
Loại 3: Quả nhỏ, sâu, dập nát, quả quá chín.
3. Đóng gói và vận chuyển
- Dâu tây được đóng gói trong những hộp carton nhỏ, hoặc giỏ có lót lá. Trong khi vận chuyển, những hộp hoặc giỏ nhỏ được xếp vào giỏ lớn.
- Lớp quả ở đáy hộp xếp cuống quả quay xuống dưới, các lớp giữa thì để nằm ngang đấu cuống vào nhau.
- Khi vận chuyền không để chồng hộp vào nhau. Trên xe có giá gỗ để hộp được thông thoáng và vận chuyển khi trời mát hoặc ban đêm.
4. Chọn và bảo quản dâu tây
Dâu tây không tiếp tục chín sau khi hái xuống nên tránh chọn những trái dâu với các đốm trắng hay đốm màu xanh lá cây.
Chọn những quả mọng đỏ nhưng không mềm nhũn hoặc bầm dập, vẫn còn nguyên cuống và đài xanh.
Dâu tây có thể bảo quản đến 3 ngày trong tủ lạnh. Nên giữ dâu tây trong một túi bóng kín hoặc để trên một khăn giấy trong khi đợi chế biến món ăn.
Tin tức khác
- Vườn ươm cây giống (Ngày đăng: 29-09-2021)
- Vườn dược liệu đầu dòng (Ngày đăng: 28-09-2021)
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn làm việc tại huyện Kon Plông (Ngày đăng: 24-09-2021)
- Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Đ/c Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đến thăm BQL khu nông nghiệp ứng dụng CNC Măng Đen trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Dưa leo bao tử (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Bí đỏ Nhật (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Cà chua cherry (Ngày đăng: 07-09-2020)
- Dưa lưới (Ngày đăng: 12-05-2020)
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CÀ CHUA GHÉP NGOÀI ĐỒNG (Ngày đăng: 29-04-2020)