THÔNG TIN ĐƠN VỊ
NGHIÊN CỨU & ỨNG DỤNG
HOẠT ĐỘNG ĐƠN VỊ
TÀI LIỆU MỚI
THÔNG BÁO
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CÀ CHUA GHÉP NGOÀI ĐỒNG
Ngày đăng: 29-04-2020 | Lượt xem: 486
Cà chua ghép giúp tăng năng suất cho bà con nông dân, chống được bệnh héo xanh (hay còn gọi là bệnh Chạy dây) so với các loại cà chua thông thường.
Tại Kon Tum có thể trồng cà chua quanh năm, trong đó trồng cà chua vào mùa khô (tháng 9 đến tháng 3 năm sau) thường cho hiệu quả kinh tế cao vì cho năng suất cao, ít sâu bệnh hơn mùa mưa.
Thường trồng cà chua vào một số thời vụ sau:
- Vụ sớm: gieo tháng 7-8, thu hoạch tháng 11-12.
- Chính vụ: gieo tháng 9-10, thu hoạch tháng 2-3.
- Vụ muộn: gieo tháng 11, thu hoạch tháng 3-4.
I. Ưu điểm của cây cà chua ghép
Ưu điểm của cây cà chua ghép là kháng được bệnh héo xanh (bệnh chạy dây) do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra, là đối tượng gây hại nghiêm trọng nhất làm thất thu năng suất có khi lên đến 100%.
II. Một số điểm cần lưu ý khi trồng cà chua ghép
1. Độ sâu khi trồng cố định
Khi trồng cố định cây ghép, chỗ liền vết của cây ghép phải cao hơn mặt đất. Nếu phần liền vết tiếp xúc với phần ẩm ướt trên mặt đất, cành ghép rất dễ mọc các rễ bất định, vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây bệnh héo xanh sẽ xâm nhập vào cây ghép qua các rễ bất định sẽ làm héo cây, dẫn đến cây bị chết.
2. Ngắt bỏ chồi dại
Sau khi trồng cố định, việc ngắt bỏ chồi dại của gốc ghép là rất quan trọng để không ảnh hưởng đến ngọn ghép. Phần lớn lá mầm của cây ghép đều ra chồi nách 1 lần ở nách lá mầm, thời gian sinh trưởng của chồi nách có thể trùng với thời kỳ cây con sau khi trồng cố định trên ruộng. Do đó, dù là vào thời kỳ cây con, trước và sau khi trồng cố định, nếu phát hiện thấy gốc ghép ra chồi nách (chồi dại) cần phải ngắt bỏ ngay.
3. Quản lí nguồn nước cho đất
Cà chua ghép trên gốc ghép là cà chua sinh trưởng tốt ở môi trường đất có ẩm độ 30 - 35 %.
4. Sự đậu quả
Cà chua ghép cũng giống với các loại cà chua không ghép là cũng cần phải sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng đúng liều lượng để nâng cao năng suất vào mùa hè.
Mùa hè nhiệt độ cao làm giảm tỉ lệ đậu quả và trọng lượng quả. Để khắc phục tình trạng này có thể dùng bông gòn thấm 5 mg/l 2,4D tinh chất chấm lên các nụ hoa (tuyệt đối không được phun lên toàn thân lá cây) hoặc phun các hocmon kích thích đậu quả như Tomatotone (0,15% 4 chlorophenoxy acetic acid), Tomatolan (9,8% Sodium -4-Chloro-2-hydroxymethyl phenoxyaacetate).
5. Cắm cọc
Sau trồng cố định 2-3 tuần, thân cây cà chua ghép cần phải buộc cố định vào cọc. Nếu buộc không chặt sẽ làm cho phần lưng cành ghép sụp xuống vì quá nặng, khiến cho vết ghép tiếp xúc với đất, cành ghép sẽ ra rễ bất định, những rễ bất định này sẽ là con đường cho các vi khuẩn, nấm bệnh xâm nhập vào làm cho cây bị chết.
6. Không bón nhiều phân đạm vào giai đoạn 1 tháng sau khi trồng
Không nên bón nhiều phân đạm vào giai đoạn khoảng 1 tháng sau trồng vì giai đoạn này vết ghép chưa thật sự dính hẵn với nhau do đó bón nhiều đạm vào giai đoạn này cây dễ bị tách vết ghép.
7. Không cắt ống cao su ghép
Giai đoạn đầu sau khi ghép, ống cao su ghép giúp gốc ghép và ngọn ghép gắn chặt với nhau. Do đó không nên cắt bỏ ống cao su vì như vậy dễ làm tách vết ghép. Khi cây cà chua ghép được trồng ngoài đồng một thời gian do nắng nóng ống cao su ghép dần dần sẽ tự tách bung ra khỏi vết ghép.
III. kỹ thuật trồng cà chua ghép
1. Làm đất và trồng cây
Xới xáo kỹ, bón vôi ngay khi cày lật đất, phơi ải 7-10 ngày khi trồng đất phải được xới xáo lại và bón phân lót, lên luống. Mùa khô: lên luống cao 20 cm, rãnh 30 cm, mặt luống rộng 1,2 m trồng hàng đôi. Mùa mưa: lên luống cao 25-30 cm, rãnh 30 cm, mặt luống rộng 80-90 cm, trồng hàng đơn.
Khi làm đất lên luống kết hợp với bón lót và trong các trường hợp rất cần thiết có thể dùng các loại thuốc phòng trừ tuyến trùng, các loại thuốc phòng trừ nấm để xử lý các loại dịch hại trong đất gây hại bộ rễ và các loại nấm bệnh trong đất xâm nhập vào cây cà chua. (loại thuốc và cách sử dụng sẽ cập nhật theo thị trường và hướng dẫn ghi trên bao bì)
Phủ nilon: Nên phủ nilon để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh. Nếu không phủ nilon sau trồng nên phủ 1 lớp cỏ tranh hoặc rơm rạ mỏng trên mặt luống.
Trồng cây: Nên trồng vào buổi chiều mát, khi trồng đặt cây nhẹ nhàng để tránh vỡ bầu, nén đất không quá chặt (nếu trồng cây cà chua ghép không lấp đất cao quá vết ghép. Ở những ruộng trống trải, nhiều gió nên dùng cây choái cũ (ngắn khoảng 30cm), cắm cạnh cây và choàng một sợi dây thun để cây tựa, phòng đổ ngã). Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây không bị héo. Cần dự phòng 10 % cây con đúng tuổi để dặm. Cây dự phòng được trồng ra ruộng (trồng giữa các cây trên hàng), để tiện cho việc bứng dặm sau này.
Cà chua ghép trồng phủ nylon
+ Mật độ, khoảng cách trồng:
- Mùa khô trồng hàng đôi: hàng x hàng=70 cm, cây x cây 50 cm theo kiểu nanh sấu. Mật độ: 27.000 cây/ha.
- Mùa mưa: trồng hàng đơn cây x cây 50-60 cm, hàng x hàng 1-1,2 m, mật độ 18.000-20.000 cây/ha.
- Từ 7-10 ngày sau trồng tiến hành kiểm tra trồng dặm lại các cây bị chết.
2. Bón phân cho cà chua
Tuỳ theo loại đất tốt xấu, mưa nhiều hay ít mà bón lượng phân cho phù hợp. Thông thường có thể áp dụng mức bón 20-30 tấn phân chuồng, 1 tấn vôi, 200 kg bánh dầu dừa, 5-10 kg borat và phân hoá học tương đương với 240 kg N-100 kg P2O5 – 275 kg K2O, (để đạt năng suất khoảng 50 tấn/ha). Lượng phân hoá học nguyên chất nói trên tương đương với: 400 kg urê, 350 kg NPK (16-16-8), 500 kg super lân, 400 kg/ha sulphat kaly.
+ Cách bón:
- Bón lót: trước khi trồng 5-7 ngày toàn bộ phân hữu cơ + vôi + lân + 100 kg bánh dầu + 100 kg NPK + toàn bộ Borát.
- Thúc lần 1: Sau trồng 10-15 ngày (lúc cây bén rễ hồi xanh): 100 kg urê + 150 kg sulphat kali + 100 kg bánh dầu + 5 kg NPK, kết hợp với phá váng.
- Thúc lần 2: Sau trồng 20-25 ngày (khi cây ra hoa): 100 kg urê + 150 kg sulphát kali + 50 kg NPK, kết hợp làm cỏ, xới rộng vun cao luống. Phân được bón theo hai mép luống xa gốc, theo tán cây.
- Thúc lần 3: Sau thu hoạch lần thứ nhất: 100 kg urê + 150 kg sulphát kali + 10 kg NPK
- Sau đó cứ 7-10 ngày lại bón 1 lần với lượng 50 kg urê + 50 kg Sulphát kali để trái lớn và đẹp mã.
- Có thể sử dụng các loại phân bón lá như Bayfolan (20-30cc/8lít), Komic BFC VG: 40-50cc/8lít, hay các loại phân bón NPK tinh và các loại thuốc kích thích sinh trưởng như: Dekamon, Agritonic, Atonic: 5-10cc/8lít.
Vườn cà chua đang cho thu hoạch
3. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:
* Chăm sóc:
+ Tưới nước: từ khi trồng đến khi hồi xanh tưới nước 2-3 lần/ngày, sau đó tưới 1lần/ngày, mùa mưa tuỳ tình hình độ ẩm để tưới; sau các trận mưa to cần phải tưới để rửa đất cho cây để phòng ngừa các nấm bệnh, đảm bảo ẩm độ cho đất: 60 -70 %. Khi cây cà chua ra hoa cần lượng nước nhiều hơn, đảm bảo ẩm độ đất 70-80 %. Trong mùa mưa cần chú ý thoát nước, không để ruộng cà chua ứ đọng nước lâu.
+ Vun xới: sau trồng 7-10 ngày xới phá váng. Sau trồng 20-25 ngày kết hợp bón phân cho cây cà chua, vun cao luống, để tránh tình trạng đọng nước giữa hàng, bộ rễ phát triển kém.
+ Làm giàn: Làm giàn cho cà chua kịp thời khi cây cao 40-60cm, làm giàn giúp cây phân bố đều trên luống, thuận tiện cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
+ Tỉa cành lá: nên tỉa bớt các lá chân, lá già phía dưới đã chuyển sang màu vàng cho ruộng cà chua được thông thoáng. Tỉa hết các nhánh phía dưới chùm hoa thứ nhất và sau đó chỉ để 1-2 nhánh (trên chùm hoa thứ nhất).
* Phòng trừ sâu bệnh:
a. Sâu hại:
+ Sâu vẽ bùa (Agromyza): xuất hiện trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cà chua, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nhiều.
- Hình thái: ruồi trưởng thành có màu đen, nhỏ, lưng có vệt tròn màu ánh kim. Dòi hình ống, đầu thon nhỏ, màu trắng sữa, nhộng màu nâu. Dòi ăn phần biểu bì của lá tạo thành các đường ngoằn ngèo, làm khô lá.
- Phòng trừ: có thể phun thuốc Vectimec, Trigard, Polytrin….
+ Sâu đục trái (Heliothis armigera):
- Triệu chứng: Sâu tuổi 1-2 ăn búp, ngọn, nụ và hoa. Sâu tuổi 3 trở lên thích ăn nụ và quả. Sâu đục lỗ chui vào trái ăn phá bên trong, vết đục bị thối bởi vi khuẩn và nấm ký sinh, gây thiệt hại đến năng suất.
- Phòng trị bằng thuốc Regent, Polytrin, Karate, Sherzol, Pegasus, Amate…
+ Sâu khoang (Prodenia litura): sâu thường ăn lá, ăn bông và ăn trái non. Nên phòng trừ bằng thuốc Polytrin, Oncol, Regent, Karate, Sherzol, Pegasus, Đelfin, Amate, Sucssec…
+ Rầy mềm, rầy nhớt (Thrips spp.): chích hút nhựa, tác nhân truyền bệnh virus làm soăn lá cà chua. Phòng trừ bằng phun các loại thuốc Supracide, Polytrin, Actara, Osin…
+ Bọ trĩ, Bọ phấn trắng: Cần phòng trị sớm khi thấy xuất hiện để tránh nhiễm bệnh bệnh virus lây lan qua chích hút, Regent, Confidor, Actara, Mosfilan, Osin…
- Chú ý: Nên phun luân phiên các loại thuốc trên, không phun một loại thuốc nhiều lần liên tục.
b. Bệnh hại:
+ Bệnh chết cây con
Triệu chứng:
Xuất hiện ở giai đoạn cây con. Phần thân tiếp giáp mặt đất hoặc rễ bên dưới bị thối, vết bệnh từ nâu đến đen. Cây bệnh bị chết ngã ngang hoặc chỉ héo rũ lá. Bệnh phát triển rất nhanh, trong vườn ươm bệnh xuất hiện từng chòm làm chết cây hàng loạt.
Tác nhân: Do nhiều loại nấm gây ra như nấm Pythium, Phytophthora, Fusarium …, Trong đó Pythium là phổ biến và nguy hiểm nhất.
Điều kiện phát sinh, phát triển: tưới quá ẩm và đất thoát nước kém.
Quản lý:
- Vườn ươm phải thông thoáng.
- Đất trong vườn ươm phải tơi xốp, thoát nước tốt.
- Sử dụng phân chuồng hoai mục.
- Không nên tưới phân đạm trong giai đoạn vườn ươm.
- Nếu cây bị bệnh có thể dùng các loại thuốc sau: Validamycin, Topsin M, Rhidomil, Mongcerel để trị.
+ Bệnh Mốc Sương phytophora infestan (mont) de Bary.
- Triệu trứng:
Bệnh mốc sương xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ từ 18-20oC, độ ẩm không khí cao. Am độ thấp nhất cho nấm phát triển là 76%, ẩm độ càng cao thì bệnh gây hại càng nhanh. Trời âm u, mưa phùn, thiếu ánh sáng thì càng thuận lợi cho bệnh phát triển. Ở vùng đồng bằng sông Hồng bệnh xuất hiện từ tháng 11, phát triển mạnh vào tháng 1, tháng 2. Có những năm thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, hại cà chua xuân hè đến tháng 5. Nấm bệnh gây hại nhiều bộ phận cây cà chua: thân, lá, lá dài, quả.
Vết bệnh màu nâu, hình dáng rất nhiều kiểu và rất thay đổi. Ở phía dưới mặt lá, nơi có vết bệnh xuất hiện các đám nấm màu nâu trắng nhờ. Ban đầu là các vết nhỏ sau lan nhanh thành các vết lớn. Lá bệnh nặng héo rũ, chuyển màu nâu đen rồi thối.
Trên thân, vết bệnh là các sọc kéo dài, màu nâu đậm hoặc đen. Vết bệnh làm cho cành chết hoặc gẫy.
Vết bệnh trên quả có màu nâu đậm, lõm xuống, rìa ngoài vết bệnh cứng, bề mặt vết bệnh không bằng phẳng. Vết bệnh ăn rất sâu vào trong thịt quả.
Bệnh có thể lây lan từ khoai tây sang cà chua.
Phòng trừ:
- Thu dọn sạch tàn dư cây trên ruộng sau mỗi vụ thu hoạch.
- Trồng cà chua xa các ruộng khoai tây.
- Chọn giống tốt, lấy hạt từ những quả không bị bệnh và từ những cây thật khoẻ mạnh (cà chua địa phương).
- Tăng cường bón phân Kali cho cây cà chua.
- Bệnh mốc sương: còn gọi là bệnh dịch muộn, là bệnh rất phổ biến gây hại lớn ở các vùng trồng cà chua. Phun thuốc ngừa sớm với Boocđô, Zineb, Benlat C, Rovral, Ridomil, Bellkute 40WP, Daconil, Bavistin, Derosal, Carbenda, Tilt, Curat, M 8 xịt ngừa trước khi bệnh xuất hiện.
Bệnh héo xanh vi khuẩn Pseudomonas solanacearum Smith.
- Triệu chứng:
Bệnh gây hại trên tất cả các vùng trồng cà chua, đặc biệt trồng lâu năm và trên tất cả các giống. Bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 26-30o C, độ pH thích hợp cho bệnh phát triển từ 6,8-7,2. Bệnh phát triển mạnh ở chân đất cao. Luân canh với cây trồng nước (lúa nước) bệnh giảm nhẹ hơn luân canh cây trồng cạn. Vi khuẩn có thể sống trong đất từ 5-6 năm. Ơ các cơ quan và hạt có thể sống khoảng 6-7 tháng. Vi khuẩn gây bệnh qua những vết thương của cây, bệnh có thể lan truyền nhờ nước và côn trùng. Vi khuẩn gây hại ở tất cả các thời kì và nghiêm trọng là thời kì hoa và quả.
- Phòng trừ:
Hiện chưa có thuốc đặc trị, phương pháp phòng trừ chủ yếu thông qua kỹ thuật canh tác. Coi trọng công tác chọn tạo giống chống chịu bệnh, xử lý đất, thực hiện chế độ luân canh nghiêm ngặt, thu gom tàn dư thực vật, thân lá cây bị bệnh và xử lý kịp thời. Tiêu độc những nơi cây bị bệnh bằng vôi bột hoặc nước vôi 15-20%. Nhưng hiện nay Phòng nghiên cứu Cây thực phẩm, Viên khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã nghiên cứu thàng công trồng cà chua bằng cây con ghép chống bệnh héo rũ vi khuẩn, mở ra triển vọng xây dựng những vùng chuyên canh trồng cà chua cho chế biến và xuất khẩu.
Bệnh đốm nâu Alternaria solani
- Triệu chứng:
Bệnh do nấm gây hại và ở hầu hết cà chua vùng nhiệt đới. Nấm phá hại thân lá, hoa và quả. Triệu chứng bệnh là những đốm màu nâu, gồm những vòng tròn đồng tâm trên những lá già và những vết lõm màu tối ở trên thân, thậm chí vết bệnh phát triển cả trên quả. Bệnh phát triển nhanh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
Phòng trừ:
Phòng trừ bằng kĩ thuật canh tác tổng hợp, khi bệnh phát triển tăng cường chăm sóc, bón thúc đạm. Khi cần thiết phải dùng thuốc, có thể dùng Zineb nồng độ 0,1%, liều lượng 0.5kg thuốc thương phẩm cho 1ha vườn ươm hoặc 2,0 đến 3kg thuốc thương phẩm cho 1ha ngoài ruộng sản xuất.
Bệnh đốm nâu: Phun thuốc ngừa sớm với Bellkute 40WP, Daconil, Bavistin, Derosal, Carbenda, Tilt, Boocđô, Sunfat đồng (CuSO 4) nồng độ 1%, Anvil, Validacin, Monceren, Diconil 8%L, Topsin, Score… xịt ngừa trước khi bệnh xuất hiện.
Bệnh Xoăn lá cà chua do virus(Tomato yellow leaf curl virus)
- Triệu chứng:
Hiện nay có 3 dạng triệu chứng xoăn lá trên cây cà chua: xoăn vàng ngọn, hoa lá xanh, hoa lá vàng.
Dạng xoăn vàng ngọn là dạng phổ biến nhất. Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện từ khi cây còn nhỏ cho đến khi cây trưởng thành và cho thu hoạch. Vì vậy gây tổn thất nghiêm trọng về năng suất, co khi không cho thu hoạch.
Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ không khí từ 25-300C và ẩm độ không khí cao. Bệnh xoăn lá thường phát triển mạnh ở cà chua sớm hè thu, xuân hè.
Cây bị bệnh còi cọc, không ra hoa kết quả được. Nhưng hoa, quả ra trước khi bị bệnh thường không phát triển được và bị rụng. Côn trùng truyền bệnh là bọ phấn Bemisia sp. Bọ phấn gây hại trên nhiều loại cây khác nhau: các loại thuộc họ cà, bầu bí, đậu đỗ và một số cây trồng khác. Bệnh còn có thể lan truyền qua con đường cơ giới trong quá trình chăm sóc tỉa cành, lá làm cho bệnh lan truyền từ cây này sang cây khác.
Phòng trừ:
Phát hiện sớm bệnh trên ruộng. Những cây bị bệnh nhổ ngay và đem ra khỏi ruộng.
Lụa chọn thời vụ trồng cà chua thích hợp ở những nơi thường bị bệnh xoăn lá gây hại. Nên tránh trồng cà chua sớm và muộn vì thường bị bệnh xoăn lá gây hại nặng.
Tích cực diệt trừ bọ phấn trên ruộng cà chua bằng các loại thuốc: Confidor, Mosfilan, Actara, Osin…. Phun luân chuyển để tránh nhờn thuốc.
Bệnh nấm hạch (Rhizoctonia solani spp.): dùng thuốc Anvil, Validacin, Tilt, Monceren và các loại thuốc gốc đồng.
(Lưu ý: Các thuốc giới thiệu trên đây có thể thay đổi theo thời gian và thị trường)
4. Thu hoạch và công bố chất lượng
Khi quả cà chua đã phát triển đẫy, vỏ quả căng, bóng láng chuyển từ xanh sang màu đỏ là quả đã chín có thể bắt đầu thu hoạch. Khi thu hoạch hái quả và xếp vào sọt nhẹ nhàng, tránh hại cây và dập quả.
Trọng lượng trung bình quả: 80g trở lên, màu quả đỏ tươi, không sâu bệnh và không vượt ngưỡng của các tiêu chuẩn RAT đã công bố.
Có khả năng bảo quản từ 4-7ngày trong điều kiện nhiệt độ từ 8-10 0C, ẩm độ 90-95%. Điều kiện bình thường có thể bảo quản 2-3 ngày.
Tin tức khác
- Vườn ươm cây giống (Ngày đăng: 29-09-2021)
- Vườn dược liệu đầu dòng (Ngày đăng: 28-09-2021)
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn làm việc tại huyện Kon Plông (Ngày đăng: 24-09-2021)
- Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Đ/c Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đến thăm BQL khu nông nghiệp ứng dụng CNC Măng Đen trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Dưa leo bao tử (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Bí đỏ Nhật (Ngày đăng: 08-09-2020)
- Cà chua cherry (Ngày đăng: 07-09-2020)
- Qui trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản dâu tây (Ngày đăng: 02-06-2020)
- Dưa lưới (Ngày đăng: 12-05-2020)