Mô hình trồng cà chua ứng dụng công nghệ cao của TT NC&PTNNCNC
Ngày đăng: 23-08-2017 | Lượt xem: 786
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NC&PT NNCNC) thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen(Khu NNUDCNC Măng Đen) được thành lập theo Quyết định số 664/QĐ-UB ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Kon Tum; trên cơ sở Trại thực nghiệm thuộc Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum (ƯDKH&CGCN) trước đây, Trung tâm đang tập trung đẩy mạnh hoạt động, phát huy vai trò tiên phong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa bàn tỉnh.
Trong chương trình Giao lưu điển hình tiên tiến cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Kon Tum tháng 7/2017, trao đổi về thực tế nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào nhân giống, trồng cây lan Kim tuyến của lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu NNUDCNC Măng Đen) đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các đại biểu.
Theo ông Phạm Thanh - Giám đốc Trung tâm NC&PTNNCNC, Lan Kim Tuyến là loài cây dược liệu quý, song theo sách đỏ Việt Nam, loài cây này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn khai thác bừa bãi, theo lối tận diệt. Với đặc thù địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, huyện Kon Plông là địa bàn thích hợp để trồng, phát triển Lan Kim Tuyến thành cây dược liệu; không chỉ giúp người dân giảm nghèo mà còn phát triển kinh tế, làm giàu. Phát huy vai trò của cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực khoa học-công nghệ tại địa bàn tỉnh, Trại thực nghiệm thuộc Trung tâm ƯDKH&CGCN, nay là Trung tâm NC&PTNNCNC đã tập trung nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thực nghiệm cây Lan Kim Tuyến. Trên cơ sở hoàn thiện quy trình trồng Lan Kim Tuyến trong nhà kính, bước đầu, Trung tâm đã mở rộng mô hình, trồng ra ngoài thực địa, đồng thời cung cấp cây giống cho một số đơn vị, cá nhân có nhu cầu trong và ngoài địa bàn tỉnh; mở ra hướng bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Trung tâm NC&PTNNCNC hiện có 13 cán bộ, viên chức và người lao động. Trên cơ sở kiện toàn lại hoạt động của Trại thực nghiệm, sau ngày thành lập, Trung tâm NC&PTNNCNC đã nhanh chóng củng cố, ổn định hoạt động của các bộ phận công tác. Trong đó, hai phòng chuyên môn là phòng Nghiên cứu - Phát triển và phòng Sản xuất thực nghiệm trực tiếp đảm nhận triển khai các hoạt động liên quan đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Gần 1 năm qua, phòng Nghiên cứu – Phát triển không chỉ tập trung cấy chuyền nhân chồi 11.000 cây Lan Kim Tuyến, mà còn nhập 100 mẫu Dâu tây Nhật để cấy chuyền nhân giống và tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm nhân giống một số giống cây hoa, cây dược liệu có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Kon Plông.
Phòng Sản xuất thực nghiệm tiếp tục nhân giống và chăm sóc 50.000 bầu sâm dây, tiếp tục triển khai mô hình chăm sóc Lan Hồ Điệp, chăm sóc 650 chậu Địa Lan... Bên cạnh đó, đầu tư triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao để thâm canh một số loại cây trồng mới, như mô hình trồng 500 m² cà chua, 200 m² cà tím Úc, 220m² dâu tây, 250 m² ớt chuông Hà Lan, nhân giống 20.000 cây chuối nuôi cấy mô...
Kết quả thử nghiệm, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nhân giống và sản xuất thực địa các loại cây trồng mới đều được đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở khuyến cáo, chuyển giao kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất, từng bước nhân rộng trên địa bàn tỉnh và một số vùng lân cận.
Đặc biệt, không chỉ tập trung nhân lực để tiến hành đề tài khoa học “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Kon Plông”, Trung tâm còn phối hợp Trường Đại học Quốc tế ( Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai đề tài nhân giống hoa Lily.
Gắn với yêu cầu xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh tại huyện Kon Plông, theo Giám đốc TT NC&PT NNCNC Phạm Thanh, trước mắt, song song với đẩy mạnh liên kết và phối hợp hoàn thiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng Lan Kim Tuyến và hoa Lily, ưu tiên hàng đầu của Trung tâm là hoàn thành kế hoạch trồng 114.000 cây Lan Kim Tuyến và sản xuất 100.000 cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô để cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục hoàn thành nhân giống 50.000 bầu giống sâm dây, đồng thời trồng và chăm sóc 2.000-3.000 m² sâm dây thương phẩm. Lâu dài, tập trung thu hút các nguồn lực và tranh thủ sự hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là mục tiêu trọng tâm được Trung tâm hướng tới. Đó chính là điều kiện để tiếp tục đa dạng hoạt động của đơn vị, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn và thực hiện dịch vụ khoa học-công nghệ; góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại địa bàn tỉnh - ông Thanh khẳng định./.